Việc mỗi ngày phải xem các chỉ số chứng khoán đối với các nhà đầu tư là điều cần thiết. Các chỉ số này giúp các nhà đầu tư nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng trong đầu tư. Và trong đó chỉ số PEG được xem là một chỉ số rất quan trọng giúp các nhà đầu tư tìm được những mã cổ phiếu tiềm năng.
Vậy cụ thể chỉ số PEG là gì? Cách tính chỉ số PEG trong chứng khoán thế nào? Nếu các bạn đang muốn tìm hiểu những thông tin, kiến thức cơ bản về chỉ số này hãy cùng Nguontaichinh.com tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Mục lục
Chỉ số PEG là gì?
Chỉ số PEG hay còn được biết đến với tên gọi đầy đủ là Price Earnings to Growth hay còn được gọi là hệ số PEG, hệ số PEG. Chỉ số này được dùng để so sánh giữa chỉ số P/E và tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS(G) của một loại cổ phiếu nào đó.
Ngoài ra PEG được dùng để định giá cổ phiếu dựa vào tốc độ tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu đó. Tuy không thông dụng bằng chỉ số P/E hay chỉ số P/B nhưng PEG vẫn được xem là một chỉ số quan trọng giúp các nhà đầu tư tìm được những cổ phiếu đang bị định giá thấp.
Cách tính chỉ số PEG
Để tính được chỉ số PEG chúng ta áp dụng công thức:
PEG = PE / G
Trong đó:
PE: Chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường và mức thu nhập của một cổ phiếu.
G: Tốc độ tăng trưởng trong tương lai của cổ phiếu. Và G được tính theo kết quả dự phóng EPS.
Ví dụ chúng ta có một cổ phiếu có chỉ số P/E = 15
- Ở trường hợp G = 10% thì lúc này PEG = 15/10 = 1.5
- Ở trường hợp G = 15% thì lúc này PEG = 15/15 = 1
- Ở trường hợp G = 20% thì lúc này PEG = 15/20 = 0.75
Ý nghĩa chỉ số PEG
PEG giúp các nhà đầu tư đánh giá tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu. Chỉ số PEG sẽ mang ý nghĩa tùy theo các trường hợp sau đây:
- PEG = 1: Trường hợp này có nghĩa là giá cổ phiếu đang bằng giá trị thực và các nhà đầu tư đã và đang đánh giá đúng những cổ phiếu mà mình đang đầu tư. Từ đó có thể đưa ra những hành động hợp lý.
- PEG > 1: Ở trường hợp này giá cổ phiếu đang bị đánh giá cao hơn so với giá trị thực của nó. Cũng có thể nói rằng các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng cao hơn về mức độ tăng trưởng của một loại cổ phiếu nào đó và họ sẵn sàng chi một số tiền lớn để sở hữu cổ phiếu đó.
- PEG < 1: Điều này chứng tỏ cổ phiếu nào đó đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực hoặc trên thị trường không kỳ vọng nhiều về mức tăng trưởng thu nhập của công ty cũng như các dự báo mà công ty đưa ra.
Xác định tốc độ tăng trưởng thu nhập theo PEG
Để xác định tốc độ tăng trưởng thu nhập dựa theo PEG tất nhiên sẽ không có một công thức cụ thể nào có thể đưa ra một con số cụ thể. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn qua 2 gợi ý dưới đây.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hoặc EPS quá khứ
Việc dựa vào các số liệu quá khứ về lợi nhuận ròng (EPS) để tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong quá khứ từ đó điều chỉnh về mức hợp lý cho tương lai. Việc điều chỉnh này cần dựa vào nhiều yếu tố như đặc điểm ngành, tiềm năng tăng trưởng của sản phẩm, chu kỳ kinh tế, lợi thế cạnh tranh,..
Khoản thời gian thu thập dữ liệu tốt nhất nên là từ 3 đến 5 năm hoặc theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Mục đích chính của việc này chính là tránh những biến động trong ngắn hạn khiến lợi nhuận ròng tăng hoặc giảm đột biến.
Ngoài ra bạn cũng cần chú ý đến những cổ phiếu có G cao trong quá khứ. Ví dụ cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng thu nhập trong quá khứ là 50%/ năm. Nhưng đâu ai dám chắc con số 50% ấy sẽ diễn ra trong một thời gian dài.
Kế hoạch kinh doanh của DN và báo cáo phân tích của CTCK
Với cách này bạn sẽ sử dụng con số lợi nhuận ròng của ban lãnh đạo đã đề ra trong kế hoạch kinh doanh. Hoặc sử dụng con số ước tính lợi nhuận ròng trong các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán. Sau đó tiến hành điều chỉnh và tính toán đề ra tốc độ tăng trưởng phù hợp trong tương lai.
Bạn cần nên chú ý những yếu tố sau khi tiến hành tính toán và điều chỉnh G:
- Liệu các yếu tố tài chính như biên lợi nhuận gộp, ROE,.. có thay đổi hay đang ổn định.
- Doanh nghiệp đánh giá có lợi thế cạnh tranh bền vững nào hay không? Hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp thế nào? Có đang mở rộng quy mô hay đầu tư gì không?
- Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp đang ở đâu?
- Môi trường kinh doanh thế nào? Kinh tế vĩ mô liệu có ổn định?
Chỉ số PEG bao nhiêu là tốt?
PEG được đánh giá là chỉ số vô cùng quan trọng khi đánh giá cổ phiếu. Vậy chỉ số PEG bao nhiêu là tốt? Sau đây chúng mình sẽ phân tích để các bạn hiểu rõ hơn.
- PEG được xem là tốt khi PEG = 1 có nghĩa là P/E = G. Tại thời điểm này, giá thị trường của cổ phiếu đang phản ánh đúng giá trị thực của nó.
- Nếu PEG < 1 có nghĩa là giá cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thực của chính nó, nhà đầu tư nên tiến hành mua vào để thu được lợi nhuận khi giá tăng cao. Chỉ số PEG càng nhỏ càng có lợi cho nhà đầu tư.
Mối quan hệ giữa P/E và tốc độ tăng trưởng
Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu mối quan hệ giữa P/E và tốc độ tăng trưởng là như thế nào nhé.
PE = G hay PEG = 1
Khi chỉ số PE của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng bằng nhau điều này có nghĩa là thị trường định giá cổ phiếu có sự tương đồng với tốc độ tăng trưởng thị trường của nó.
Nói theo cách khác, tăng trưởng thu nhập EPS của cổ phiếu được thị trường định giá đầy đủ vào giá cổ phiếu. Cổ phiếu lúc này đang ở giá trị thực của nó
PE>G hay PEG >1
Chỉ số PE > 1 có nghĩa là:
- Cổ phiếu đó đang được đính giá cao hơn so với giá trị thực của nó.
- Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu này cao hơn mức tăng trưởng công bố.
Những cổ phiếu tăng trưởng thông thường sẽ có tỷ số PEG lớn hơn 1 vì các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một cổ phiếu được kỳ vọng là sẽ mang về lợi nhuận cao trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra là do thu nhập được dự báo thấp hơn trong khi giá cổ phiếu vẫn đang ổn định vì nhiều lý do khác.
PE < G hay PEG < 1
Khi chỉ số PEG < 1 có nghĩa là:
- Khả năng cao cổ phiếu đó bị định giá thấp.
- Thị trường không đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp có thể đạt được sự tăng trưởng thu nhập giống với những dự báo mà doanh nghiệp đã đưa ra.
Cách xử lý chỉ số PEG âm
Như chúng mình vừa mới đề cập thì chỉ số PEG có quan hệ mật thiết với PE và G, nên khi PEG âm có nghĩa là:
- Nếu P/E âm chứng tỏ doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ.
- Nếu G âm tức là mọi người đang có dự đoán mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai sẽ thấp hơn mức tăng trưởng ở thời điểm hiện tại và cả quá khứ.
Cách để xử lý PEG âm do chỉ số P/E âm
Trong thực tế giá trị P/E âm không mang lại ý nghĩa gì về mặt kinh tế hay định giá. Bởi vì không ai lại đi lấy một số tiền âm để mua một cổ phiếu của doanh nghiệp và cũng không ai vừa đưa tiền vừa mang doanh nghiệp của mình cho người khác.
Cách để xử lý PEG âm do G âm
Trong trường hợp G âm có nghĩa là mức độ tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp thấp hơn ở thời điểm hiện tại và cả quá khứ. Lúc này, bạn không nên vội vàng đưa ra quyết định khi chỉ mới dự đoán giá trị G trong thời gian ngắn mà hãy xem xét nó trong thời gian dài có thể từ 3 đến 5 năm hoặc thậm chí là 10 năm. Bên cạnh đó các nhà đầu tư cũng nên xem xét G âm ít hay nhiều cũng như tìm hiểu nguyên nhân khiến giá trị G âm rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Những nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
- Doanh nghiệp vừa mới thành lập nên tình hình kinh doanh chưa ổn định.
- Doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn nào đó có thể là biến động nền kinh tế vi mô, vĩ mô,..
- Do sự thay đổi của ngành ví dụ như chuyển hình thức kinh doanh truyền thống sang hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ,..
- Do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Xảy ra những vấn đề trong nội bộ công ty.
Lưu ý khi sử dụng chỉ số PEG
Không phủ nhận những lợi ích mà chỉ số PEG mang lại cho các nhà đầu tư, nhưng để sử dụng các bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không nên chỉ sử dụng chỉ số PEG mà nên kết hợp các chỉ số tài chính khác. Nguyên do là vì nếu chỉ sử dụng mỗi PEG thì nó sẽ không mang lại cái nhìn tổng thể về công ty và những hạng mục đầu tư của mình.
- Chỉ số PEG được tính toán dựa theo tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu mà tốc độ tăng trưởng chỉ có thể ước lượng một cách tương đối. Có một số cổ phiếu không thể tính toán được tốc độ tăng trưởng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Nếu xét về mức độ tăng trưởng của cổ phiếu được dùng để tính chỉ số PEG thì bạn nên phân tích trong thời gian dài có thể từ 3 đến 5 năm.
- Về tốc độ tăng trưởng bạn nên cẩn thận với các cổ phiếu có chỉ số G quá cao.
- Không nên đầu tư vào cổ phiếu có chỉ số PEG quá cao bởi rủi ro mà nó mang lại vô cùng lớn.
Như vậy qua bài viết này Nguontaichinh.com vừa mới giới thiệu chỉ số PEG là gì? Cách tính chỉ số PEG trong chứng khoán. Hy vọng sau khi xem bài viết này các bạn có thể bổ sung thêm một chỉ số tốt để giúp bản thân tiếp cận được những cổ phiếu tốt, tiềm năng. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các chỉ số tương tự có thể tìm đọc các bài viết ở chuyên mục phân tích cơ bản. Hoặc để được giải đáp các câu hỏi, hay tư vấn trực tiếp các bạn có thể liên hệ với chúng mình để được hỗ trợ.
Chuyên viên tư vấn tài chính chứng khoán với hơn 7 năm kinh nghiệm. Mục tiêu chia sẻ kiến thức cùng mọi người tạo ra thu nhập ổn định trong tương lai.